Pháp luật về dịch vụ Logictics trong lĩnh vực thương mại bán buôn, bán lẻ đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Theo Nghị định số140/2007/NĐ-CP ngày 05-9-2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics, trường hợp kinh doanh dịch vụ thương mại bán buôn, dịch vụ thương mại bán lẻ thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ. Chính phủ và Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) có một số văn bản điều chỉnh dịch vụ phân phối, chủ yếu là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12-2-2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM ngày 21-5-2007 của Bộ trưởng Bộ Thương mại công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; Thông tư số 09/2007/TT- BTM ngày 17-7-2007 của Bộ Thương mại hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP. Các văn bản này đã nội luật hóa cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO về mở cửa thị trường dịch vụ phân phối, trong đó có dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ.
      Điều kiện để doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động bán buôn, bán lẻ là nhà đầu tư nước ngoài thuộc các nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt nam là thành viên và trong điều ước đó Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường. Đối với nhà đầu tư nước ngoài không thuộc đối tượng này phải được Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) xem xét, chấp thuận cho từng trường hợp cụ thể.
      Lộ trình mở cửa thị trường như sau:
      -  Về sản phẩm phân phối, từ 11-1-2010 không còn bất kỳ hạn chế nào về sản phẩm được phép phân phối (miễn là các sản phẩm đó được sản xuất tại Việt Nam hoặc được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam).
      - Về hình thức hiện diện, các nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện hoạt động phân phối tại Việt Nam dưới các hình thức: (i) Lập liên doanh với đối tác Việt Nam (từ ngày 01-01-2008 sẽ không còn hạn chế tỷ lệ vốn nước ngoài trong liên doanh); (ii) Lập doanh nghiệp phân phối 100% vốn nước ngoài (từ sau ngày 01-01-2009 được phép lập doanh nghiệp phân phối 100% vốn nước ngoài).
     Điều kiện hạn chế chung là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ thông qua việc lập cơ sở bán lẻ (siêu thị, cửa hàng…) và chỉ được tự động mở một cơ sở bán lẻ, việc thành lập thêm các cơ sở bán lẻ phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đối với dịch vụ bán buôn thì không phải chịu hạn chế này.
     Trong thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay, các nhà phân phối nước ngoài vẫn không dễ dàng thâm nhập thị trường bán lẻ Việt nam. Một trong những trở ngại lớn nhất là quy định “Kiểm tra nhu cầu kinh tế” khi cấp phép mở thêm cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất). Kiểm tra nhu cầu kinh tế (Economic Need Test – ENT) có thể hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét có cấp phép cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở thêm điểm bán lẻ mới hay không.
     Một số nhà đầu tư cho rằng biện pháp ENT này là một hàng rào kỹ thuật hạn chế cạnh tranh thương mại. Tuy nhiên, xét góc độ quản lý nhà nước, biện pháp này cũng có sự hợp lý và không trái với cam kết WTO. Việc kiểm tra cấp phép lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất được xem xét từng trường hợp cụ thể căn cứ vào số lượng các cơ sở bán lẻ, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư, quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn đặt cơ sở bán lẻ. Vấn đề cần đặt ra là phải bảo đảm tính hợp lý và minh bạch trong quá trình kiểm tra cấp phép lập cơ sở bán lẻ nhằm tránh tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực và cạnh tranh không lành mạnh.

                                                             Th.s. Luật sư NGUYỄN CÔNG THẮNG
THUANDUCLAF

Thẻ: ,

ThuanDucLaf

Thông tin đang cập nhật.....

0 nhận xét

Đăng nhận xét

ThuanDucLAF