Trả lời:
LS xin trả lời câu hỏi của anh chị như sau:
Vấn đề rút vốn ra khỏi công ty TNHH hai thành viên trở lên được quy định tại các điều 42, 43, 44 của Luật Doanh nghiệp 2005 (LDN 2005) được sửa đổi bổ sung năm 2009.
Điều 42.1 LDN 2005 quy định nghĩa vụ của thành viên là không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các điều 43- Mua lại phần vốn góp và điều 44- Chuyển nhượng vốn góp.
Như vậy, chiếu theo quy định này thì anh chị có thể rút vốn ra khỏi công ty nếu thỏa mãn các quy định của điều 43,44. Chú ý là Luật không dùng từ “rút vốn” mà dủng từ “chuyển nhượng vốn”. Có hai bên tham gia trong quan hệ này , đó là bên chuyển nhượng, thông thường gọi là bên bán và bên nhận chuyển nhượng, thông thường gọi là bên mua. Bên bán là thành viên muốn rút vốn ra khỏi công ty và bên mua có thể là chính công ty hoặc các thành viên còn lại của công ty hoặc người ngòai công ty. Khái niệm người ngòai được hiểu có thể là tổ chức hoặc cá nhân (điều 38.1 LDN 2005)
1. Rút vốn trong trường hợp thông thường (điều 44 LDN 2005)
Khi múôn rút vốn ra khỏi công ty, tùy theo anh chị có muốn tiếp tục là thành viên của công ty nữa hay không. Nếu vẫn muốn tiếp tục làm thành viên của công ty thì anh chị quyết định chào bán một phần vốn góp mà thôi, ngược lại anh chị sẽ quyết định chào bán tòan bộ phần vốn góp của mình. Luật bắt buộc trước hết anh chị phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện, ý muốn nói là không có sự phân biệt hay ưu đãi giữa các thành viên này, thành viên nào cũng có cơ hội như nhau.
Sau 30 ngày tính từ ngày chào bán nếu các thành viên của công ty không mua hoặc mua không hết thì anh chị có quyền chào bán cho người ngòai phần vốn góp của anh chị chưa bán được để rút vốn ra khỏi công ty.
Ví dụ: Công ty TNHH X có vốn điều lệ là 5 tỷ đồng do 5 thành viên A,B,C,D,E mỗi người góp vốn theo tỷ lệ bằng nhau là 1/5. A muốn rút tòan bộ vốn (1 tỷ đồng ) ra khỏi công ty, như vậy A sẽ chào bán phần vốn 1 tỷ đồng này lại cho 4 thành viên còn lại. Giả sử 4 thành viên B,C,D,E đều đồng ý mua lại phần vốn góp của A thì mỗi người sẽ phải trả cho A số tiền là 250 triệu. Như vậy , sau khi thanh tóan cho A xong thì công ty TNHH X còn lại 4 thành viên và phần vốn góp của mỗi người sẽ tăng thêm 250 triệu so với ban đầu. Cụ thể B,C,D,E sẽ có vốn góp mổi người là 1,25 tỷ. Kết quả này cho thấy vốn điều lệ của công ty sẽ không thay đổi mặc dù có người đã rút vốn ra khỏi công ty, vẫn đảm bảo vốn điều lệ cho công ty họat động bình thường .
Cũng ví dụ trên nhưng giả sử chỉ có B và C đồng ý mua lại phần vốn góp của A còn E không mua hết hoặc không đồng ý mua thì anh chị cũng phải đợi đến hết thời gian quy định 30 ngày tính từ ngày chào bán mới được chào bán phần vốn mà E không mua hết hoặc không mua ra cho người ngòai công ty.
2. Rút vốn trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Hội đồng thành viên về các vấn đề sửa đổi bổ sung Điều lệ, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên; Tổ chức lại công ty hoặc các trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty (điều 43 LDN 2005)
Trong trường hợp này anh chị phải gửi đơn yêu cầu công ty mua lại tòan bộ phần vốn góp của mình trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày thông qua quyết định của Hội đồng thành viên. Quá thời hạn này anh chị sẽ mất quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp và có nghĩa vụ phải chấp hành quyết định của Hội đồng thành viên .
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn, công ty phải mua lại phần vốn góp này theo giá thị trường hoặc theo giá được xác định theo cách thức xác định giá ghi trong Điều lệ công ty. Lưu ý luật quy định là công ty chỉ thanh tóan cho anh chị phần vốn góp đó khi và chỉ khi nó có đủ khả năng thanh tóan hết tất cả các món nợ và các nghĩa vụ tài sản khác. Có nghĩa là thời điểm công ty thanh tóan tiền cho anh chị sẽ có thể bị lùi lại, sớm hay muộn tùy thuộc vào khả năng tài chính của công ty .
Nếu sau thời gian này, công ty không mua lại hoặc mua không hết thì anh chị có quyền chào bán cho các thành viên khác trong công ty theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty. Trong vòng 30 ngày sau đó, nếu cũng không bán hết được cho các thành viên này hoặc chỉ bán được một phần vốn góp cho các thành viên mà thôi thì anh chị có quyền bán phần vốn góp còn lại cuối cùng đó ra cho người ngòai công ty. Việc chuyển nhượng vốn lúc này quay trở lại trường hợp rút vốn thông thường như đã trình bày trong phần trên.
LS. Đào Duy Tân
Thuan Duc Law Firm
0 nhận xét