Quy định về việc cho thuê doanh nghiệp tư nhân vẫn còn nhiều điểm bất cập gây khó khăn cho chủ doanh nghiệp.
Quy định về cho thuê doanh nghiệp tư nhân trong Luật Doanh nghiệp còn nhiều điểm bất cập, dung túng cho bên thuê vi phạm pháp luật.
Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 được Quốc hội khóa 11 thông qua vào ngày 29 tháng 11 năm 2005 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2006, là một nỗ lực đáng ghi nhận nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật để Việt Nam gia nhập cộng đồng thương mại thế giới. Tuy nhiên, làm luật mà vội vàng thì không tránh khỏi những bất cập, thiếu sót .
Quy định chưa rõ ràng
Chương 6 của Luật Doanh nghiệp 2005 đề cập đến loại hình doanh nghiệp tư nhân, vỏn vẹn khiêm tốn chỉ có 5 điều rất cô đọng, ngắn gọn từ Điều 141 đến Điều 145. Điều 141 định nghĩa về doanh nghiệp tư nhân, Điều 142 nói về vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp, Điều 143 nói về quản lý doanh nghiệp, Điều 144 quy định về cho thuê doanh nghiệp và cuối cùng là Điều 145 quy định về bán doanh nghiệp.
Điều 144 của Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp của mình…”. Nhưng bên thuê là ai, cá nhân đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nhưng không đăng ký kinh doanh có được thuê doanh nghiệp tư nhân để tiến hành hoạt động kinh doanh hay không, hay phải là thương nhân có đăng ký kinh doanh mới được thuê? Việt kiều có được thuê? Người nước ngoài có được thuê? Tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân trong nước hay nước ngoài có được thuê? Thực tế, là Nhà nước chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết về bên thuê là những ai. Do vậy, chủ doanh nghiệp và cơ quan quản lý về đăng ký kinh doanh rất lúng túng, băn khoăn khi gặp phải những tình huống như trên.
Luật quy định phải cho thuê toàn bộ doanh nghiệp. Nhưng nếu đặt câu hỏi với nhà làm luật rằng tại sao cứ phải là cho thuê toàn bộ? Xuất phát từ nhu cầu thực tế của hoạt động kinh doanh, bên thuê chỉ muốn thuê một phần doanh nghiệp, tại những địa điểm thuận lợi cho việc kinh doanh của họ? Chủ doanh nghiệp có thể cho thuê một phần doanh nghiệp có được không? Lý do tại sao mà luật lại quy định “cứng” như vậy? Quy định như vậy có làm hạn chế quyền định đoạt của chủ doanh nghiệp tại khoản 1 điều 143 không? Có làm mất cơ hội kinh doanh của các bên? Ai sẽ gánh chịu những tổn thất lẽ ra không đáng có?...
Theo đó, Luật cũng chưa tiên liệu tính đến vấn đề bất cập này, mặc dù trên thực tế vẫn có xảy ra, gây khó khăn bế tắc cho chủ doanh nghiệp và cơ quan tiếp nhận đăng ký kinh doanh.
Nặng tính áp đặt
Đoạn kế tiếp của Điều 144 quy định như sau: ”…Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp…” Về mặt kỹ thuật lập pháp từ “vẫn” từ “phải“ nghe có vẻ rất nặng nề, mang tính áp đặt ý chí, bắt buộc, cưỡng chế của Nhà nước, dường như cơ quan soạn thảo có ý muốn nhấn mạnh, khuyến cáo đối với chủ doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, cân nhắc, đắn đo, suy nghĩ thật kỹ lưỡng, “bút sa gà chết”, trước khi cho ai đó thuê doanh nghiệp của mình? Vấn đề đặt ra là khi bên thuê đang tiến hành hoạt động kinh doanh, mà có xảy ra vi phạm hành chính như bị phạt tiền, bị truy thu thuế, bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phạm vi trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong trường hợp này sẽ ra sao? Có giới hạn hay không, có trường hợp nào chủ doanh nghiệp được loại trừ hoàn toàn trách nhiệm không? Hay loại trừ có mức độ hay phải liên đới cùng chịu trách nhiệm chung với bên thuê kể cả khi người chủ doanh nghiệp không hề có lỗi, không biết gì về hành vi vi phạm pháp luật của bên thuê?
Hiểu theo nghĩa nào đó nhà làm luật “vô tình” bảo vệ dung túng cho bên thuê vi phạm pháp luật “khuyến khích” bên thuê cứ việc vi phạm pháp luật, mà không sợ bị pháp luật trừng trị vì đã có anh chủ doanh nghiệp gánh chịu trách nhiệm thay, quả là “quýt làm cam chịu”, bắt tội oan anh chủ doanh nghiệp là không hợp lý và cũng chẳng hợp tình. Đôi khi chính bên thuê, họ cũng ý thức được sai phạm và muốn tự nhận lãnh trách nhiệm trước pháp luật do hành vi vi phạm của mình nhưng cũng không thể được, vì luật chỉ “quy chụp” đến trách nhiệm của anh chủ doanh nghiệp, chẳng để họ có quyền tự thỏa thuận với nhau theo tinh thần “ai làm nấy chịu“ theo như hợp đồng. Nếu hiểu theo văn từ, mặc dù đã cho thuê, chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu mọi trách nhiệm pháp lý liên quan đến doanh nghiệp của mình, pháp luật xem như không hề có sự thuê mướn này. Đây là điều trái với nguyên tắc pháp lý thông thường trong việc cho thuê tài sản nên khó có thể chấp nhận được. Rủi ro bao giờ cũng thuộc về chủ doanh nghiệp.
Như vậy, chủ doanh nghiệp sẽ xua tay và nói không với việc cho thuê doanh nghiệp của mình. Kết quả là luật có cũng như không, không thể áp dụng được. Bởi lẽ, luật còn xa rời thực tế. Như vậy, trong khi chờ đợi để có những điều luật hợp lý, chỉ có chủ doanh nghiệp tư nhân là người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất do quy định bất hợp lý của điều luật này. DN&PL
LS ĐÀO DUY TÂN
Thuan Duc Law Firm
Bài viết được đăng trên Tạp chí Doanh nhân và pháp luật
(http://doanhnhanphapluat.vn/index.php/phap-luat/vn-phong-lut/708-cho-thue-doanh-nghiep-tu-nhan-con-do-nhung-bat-cap-.html)
0 nhận xét