Trong hoạt động của doanh nghiệp, một trong những vấn đề doanh nghiệp hay gặp đó là vấn đề tính lãi do chậm thanh toán. Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định về vấn đề này như thế nào ?
Theo pháp luật hiện hành, vấn đề này được giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 và Luật thương mại 2005.
A. Quan hệ dân sự có một bên hoặc các bên tham gia không nhằm mục đích lợi nhuận (VD: mục đích tiêu dùng,…) (không phải là quan hệ kinh doanh thương mại): Đối với quan hệ này, Bộ luật dân sự 2005 được áp dụng.
1. Nếu mua hàng, chậm thanh toán:
Lãi do chậm thanh toán = lãi suất cơ bản
(Khoản 438.2 và 305.2 Bộ luật dân sự 2005)
2. Đối với khoản vay chậm thanh toán:
a. Không tính lãi: Lãi do chậm thanh toán = lãi suất cơ bản (Khoản 474.4 Bộ luật dân sự 2005)
b. Có tính lãi: Lãi do chậm thanh toán = lãi suất nợ quá hạn (Khoản 474.5 Bộ luật dân sự 2005)
3. Lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố
(Khoản 476.1)
B. Quan hệ dân sự mà các bên tham gia giao dịch đều nhằm mục đích lợi nhuận (quan hệ kinh doanh thương mại): Áp dụng quy định của Luật thương mại 2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006:
Điều 306 Luật thương mại 2005 quy định: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Như vậy, Luật thương mại 2005 cho phép các bên thoả thuận về mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ chậm thanh toán. Nếu các bên không có thoả thuận, thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.
Do hiện nay, theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 546/2002/QĐ-NHNN (“Quyết định 546”), NHNN cho phép thực hiện cơ chế lãi suất thoả thuận trong hoạt động tín dụng thương mại bằng Đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. NHNN chỉ ban hành lãi suất cơ bản để các tổ chức tín dụng làm cơ sở cho việc xác định lãi suất cho vay.
Mặt khác theo điều 476 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 197/1997/QĐ-NHNN (“Quyết định 197”), lãi suất nợ quá hạn bằng 150 % mức trần lãi suất cho vay cùng loại. Hiện nay, Quy định này tuy có phần không phù hợp do Quyết định 546 trong đó cho phép thực hiện cơ chế lãi suất thoả thuận, nhưng hiện chưa có văn bản nào thay thế hoặc huỷ bỏ và trên thực tế hoạt động của các ngân hàng, mức lãi suất nợ quá hạn áp dụng cũng không vượt quá 150 % mức trần lãi suất cho vay.
Như vậy, vô hình chung, nếu các bên không có thoả thuận về lãi suất đối với khoản nợ hoặc thoả thuận với mức lãi suất cao hơn 150% lãi suất cơ bản do NHNN quy định tại thời điểm tính lãi suất thì mức lãi suất nợ quá hạn áp dụng đối với khoản nợ chậm thanh toán tối đa là 150% x 150% x lãi suất cơ bản do NHNN quy định.
Trên thực tế, để tính được mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường, thông thường, chúng ta phải lấy mức lãi suất nợ quá hạn được công bố của ít nhất 03 ngân hàng đang hoạt động để tính ra mức lãi suất nợ quá hạn trung bình.
Trường hợp không xác định được mức lãi suất nợ quá hạn cụ thể áp dụng tại một số tổ chức tín dụng, ta có thể áp dụng mức lãi suất gần với mức lãi suất nợ quá hạn tối đa.
II. Những điểm cần lưu ý liên quan đến vấn đề lãi do chậm thanh toán:
- Áp dụng luật dân sự hay luật thương mại để tính lãi do chậm thanh toán?
Hoạt động kinh doanh thương mại cũng được xem là một hình thức hoạt động trong lĩnh vực dân sự và nó cũng bị điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, đối với hoạt động kinh doanh thương mại, nhà nước ban hành Luật Thương mại để điều chỉnh riêng cho hoạt động này. Do đó, Luật thương mại được ưu tiên áp dụng để điều chỉnh các quan hệ kinh doanh thương mại. Bộ luật Dân sự chỉ được áp dụng khi Luật thương mại không có quy định điều chỉnh. Ở đây, do Điều 306 Luật Thương mại đã quy định về lãi do chậm thanh toán nên sẽ được ưu tiên áp dụng để tính lãi cho các quan hệ kinh doanh thương mại. Còn Bộ luật dân sự được áp dụng cho các giao dịch dân sự không mang tính thương mại.
- Mức lãi suất nợ quá hạn không phải là mức lãi suất tối đa (150% x 150% x lãi suất cơ bản). Lãi suất nợ quá hạn gắn liền với lãi suất cơ bản. Mà lãi suất cơ bản do NHNN ban hành thay đổi theo từng thời điểm. Do đó, việc tính tiền lãi do chậm thanh toán cũng sẽ được tính theo từng mốc lãi suất cơ bản do NHNN ban hành trong thời gian tính lãi.
- Lãi suất cho vay do các bên thoả thuận, do đó, mức lãi suất cho vay cụ thể của các tổ chức, cá nhân sẽ không thống nhất. Vì vậy mức lãi suất nợ quá hạn cũng không thống nhất.
- Tiền lãi do chậm thanh toán và phạt vi phạm hợp đồng:
Trong Luật Thương mại, xét về mặt hình thức, không có khái niệm “tiền lãi phạt” mà chỉ có khái niệm “tiền lãi do chậm thanh toán” và khái niệm “phạt do vi pham hợp đồng”. Cần phải phân biệt hai khái niệm này.
§ Phạt vi phạm: Theo Điều 300 Luật Thương mại, phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận. Bên bị vi phạm chỉ có thể tính tiền phạt khi có thoả thuận trong hợp đồng (Điều 307 Luật Thương mại). Mức phạt do vi phạm hợp đồng tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (Điều 301 Luật thương mại).
§ Tiền lãi do chậm thanh toán: Theo điều 306 Luật Thương mại, trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả . Việc tính tiền lãi do chậm thanh toán này không phụ thuộc vào việc các bên có thoả thuận việc tính tiền lãi hay không. Nếu các bên có thoả thuận, và mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán thì sẽ áp dụng mức lãi suất thoả thuận. Nếu các bên không có thoả thuận thì áp dụng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường.
Trên thực tế, trong các giao dịch, doanh nghiệp thường không phân biệt được hai khái niệm này, nên trong hợp đồng thường quy định đại loại như: nếu chậm thanh toán thì chịu mức lãi phạt tương đương a %... Với quy định như vậy, rất khó có thể xác định rõ đây là tiền lãi do chậm thanh toán hay là tiền phạt do vi phạm hợp đồng. Khi có tranh chấp, toà án có thể xem đây là tiền lãi do chậm thanh toán và cũng có thể xem đây là tiền phạt do vi phạm hợp đồng.
Luật sư PHẠM MINH HOÀNG
0 nhận xét