Một căn nhà bán cho hai người: Tòa nói “lừa đảo”, viện bảo không

Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhưng sau đó hủy bỏ.
Ông T. (xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM) phản ánh: Tháng 8-2005, ông có mua giấy tay một căn nhà của bà H. với giá 428 triệu đồng. Sau đó, bà Hà đem căn nhà này bán tiếp cho người khác và công an huyện đã khởi tố vụ án hình sự nhưng thời gian sau lại hủy bỏ quyết định khởi tố.
Lừa dối người khác
Ông T. kể: Sau khi ông giao 400 triệu đồng thì bà H. giao cho ông bộ hồ sơ công chứng hợp đồng mua bán nhà giữa bà H. với chủ trước nhưng không giao bản chính giấy chủ quyền nhà, đất. Bà hẹn khi đi công chứng sẽ giao giấy cho ông. Nhưng rồi bà tìm cách né tránh không thực hiện cam kết. Nghi ngờ có khuất tất, ông đi tìm hiểu thì mới biết bà H. đã thế chấp giấy chứng nhận cho người khác để vay tiền.
Tháng 3-2006, sau khi được bà H. ra công chứng ký hợp đồng bán nhà, người cho vay đã làm xong thủ tục sang tên nhà. Ấy thế, bà H. đã giấu nhẹm việc này và còn đề nghị ông cho mượn 150 triệu đồng để bà chuộc giấy nhưng ông không đồng ý. Tiếp nữa, người cho vay đã tiếp tục bán nhà cho người khác và người này cũng đã sang tên vào tháng 11-2007.
Cho rằng bà H. có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì có một căn nhà mà bán cho hai người, ông T. đã gửi đơn tố giác.
Tòa nói hình sự, viện bảo dân sự
Cuối năm 2007, người cho vay đã kiện bà H. ra tòa để yêu cầu bà giao căn nhà đã bán. Bấy giờ, người mua sau cùng và ông T. được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Trong quá trình tòa thụ lý, bà H. khai: “Chỉ bán nhà cho ông T. nhưng do vay nợ mà không trả được nên mới đi công chứng hợp đồng bán nhà cho chủ nợ”.
Đến cuối năm 2008, xét thấy bà H. có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, TAND huyện đã chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND huyện Hóc Môn để nơi đây xem xét, xử lý hình sự. Đầu năm 2010, TAND huyện tiếp tục có công văn kiến nghị cơ quan điều tra huyện xem xét khởi tố vụ án.
Tháng 6-2010, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hóc Môn đã ra quyết định khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, cho rằng việc mua bán nhà giữa ông T. và bà H. đơn thuần là giao dịch dân sự, VKSND huyện đã yêu cầu công an huyện hủy bỏ quyết định khởi tố nói trên và công an huyện đã chấp nhận. Không đồng tình với cách xử lý này, ông T. đã khiếu nại đến VKSND TP.HCM.
Trao đổi với PV, ông Bùi Xuân Tứ, Viện trưởng VKSND huyện Hóc Môn, cho biết: “Chúng tôi đã chuyển hồ sơ đến VKSND TP xin ý kiến chỉ đạo nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi”.
Nên thống nhất cách xử lý

Có lẽ vì ngại khởi tố, truy tố, xét xử sai dẫn đến việc phải bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nên trong những trường hợp mà dấu hiệu hình sự và dân sự đan xen nhau, các cơ quan tố tụng hay chuyển sang xử lý dân sự. Dẫu lý do nào thì cũng phải xác định rằng việc một người cố ý mang một tài sản có giá trị lớn bán cho nhiều người để thu nhận số tiền lớn là hành vi trái pháp luật, cần bị xử lý nghiêm để có tác dụng ngăn ngừa, đảm bảo trật tự xã hội.
Thực tế vừa qua cho thấy cùng loại vụ việc có nội dung tương tự (tức có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản) nhưng có vụ bị xử lý hình sự, có vụ được xử lý dân sự. Cách xử lý nào đúng pháp luật và phải làm sao để hạn chế bất nhất, tùy tiện, dựa trên cảm tính để giải quyết vấn đề?
Theo tôi, do thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và gây tác hại lớn nên các cơ quan công an, tòa án, VKS cấp trung ương cần có hướng dẫn liên ngành về việc này. Trong đó, phải xác định các tiêu chí cụ thể để nhận diện các vụ việc tuy có dấu hiệu gian dối nhưng đơn thuần là dân sự, vụ nào nhất thiết phải xử hình sự.
Luật sư TÔ NGỌC MINH TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM
KIM PHỤNG 
Báo Pháp luật TP.HCM online
http://phapluattp.vn/20111124104756994p0c1027/mot-can-nha-ban-cho-hai-nguoi-toa-noi-lua-dao-vien-bao-khong.htm
Thẻ:

ThuanDucLaf

Thông tin đang cập nhật.....

0 nhận xét

Đăng nhận xét

ThuanDucLAF